sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus Paramyxoviridae gây ra, bệnh rất dễ bùng phát thành dịch. Sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, dễ tấn công người chưa có miễn dịch, đặc biệt là trẻ em chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.

Triệu chứng: Khi bị sởi, người bệnh sẽ bị nổi các nốt đỏ thành từng mảng dày ở sau tai, mặt rồi lan xuống cổ và ngực kèm theo sốt cao, ho dai dẳng hoặc mắt đỏ. Các triệu chứng của sởi rất dễ nhầm với biểu hiện của rôm sảy, dị ứng, thủy đậu, rubella… Chính sự nhầm lẫn này dẫn đến cách phòng lây nhiễm, điều trị không đúng, làm cho bệnh sởi của trẻ tiến triển sang thể nặng, đồng thời dễ làm bệnh lan rộng thành dịch. Sởi có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ như tiêu chảy, viêm tai giữa đến biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não. Khi biến chứng nghiêm trọng, bệnh nhi có tỷ lệ tử vong cao.

Cách phòng bệnh sởi: Ngay khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban… phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của sởi. Cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để cách ly trẻ, tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Bố mẹ nên chủ động cho trẻ tiêm phòng sởi sớm. Theo chương trình tiêm chủng quốc gia, trẻ cần tiêm mũi thứ 1 ngay từ 9 tháng tuổi, tiêm nhắc lại mũi thứ 2 lúc 18 tháng (vắc xin chứa thành phần sởi và rubella). Bên cạnh đó, khi trẻ đến 12 tháng, bố mẹ cũng cần bổ sung thêm mũi vắc xin phối hợp Sởi – Quai bị – Rubella để trẻ có thể được bảo vệ khỏi 3 bệnh này.

Phụ nữ mang thai nếu bị bệnh sởi thì thai nhi có thể bị dị dạng, thai chết lưu, sảy thai, sinh non… do đó các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ nên tiêm phòng trước khi mang thai. Bà bầu có dấu hiệu bệnh sởi nên đến cơ sở y tế khám, theo dõi dấu hiệu của thai để được hỗ trợ y tế kịp thời.

Bình luận

Trả lời