1. Khái niệm và phân loại tăng huyết áp
Tăng huyết áp (THA) chiếm tỉ lệ cao trong các bệnh tim mạch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỉ lệ THA 3 – 18% dân số thế giới, ở Việt Nam, theo điều tra của Viện Tim mạch (2008), tỉ lệ THA là 25,1% ở những người > 25 tuổi. THA là nguyên nhân gây tử vong 7,1 triệu người, chiếm 4,5% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90mmHg. Lưu ý: Đo ở 2 lần khám, mỗi lần khám được đo ít nhất 2 lần. Bệnh nhân được nghỉ ngơi trước khi đo 5 -10 phút.
Phân loại THA theo con số HA
Phân loại | HA tâm thu (mmHg) | HA tâm trương (mmHg) |
HA tối ưu | < 120 | < 80 |
HA bình thường | < 130 | < 85 |
HA bình thường cao | 130-139 | 85-89 |
THA độ 1 | 140-159 | 90-99 |
THA độ 2 | 160-179 | 100-109 |
THA độ 3 | ≥ 180 | ≥ 110 |
THA tâm thu đơn độc | ≥ 140 | < 90 |
2. Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị THA
– Làm hạn chế tăng huyết áp, duy trì được huyết áp mục tiêu và giúp làm ổn định huyết áp (huyết áp mục tiêu cần đạt là < 130/80 mmHg và người bệnh vẫn dung nạp được theo quy định của Hội Tim mạch Việt Nam).
– Giảm tối đa nguy cơ tim mạch như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
3. Nguyên tắc dinh dưỡng trong điều trị THA
Chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất, ít natri, giàu kali, giàu chất xơ, giảm lượng acid béo bão hòa và tổng lượng chất béo. Khuyến khích áp dụng chế độ dinh dưỡng giúp kiểm soát tăng huyết áp (DASH diet) là chế độ ăn khuyến khích nhiều rau xanh, quả chín, các sản phẩm sữa ít béo .
– Nhu cầu năng lượng: 30 – 35 Kcal/kg cân nặng/ngày.
– Protein: 15 -< 20% tổng năng lượng.
– Lipid: 20 – 25% tổng năng lượng.
Trong đó thấp acid béo bão hòa, acid béo không no nhiều nối đôi chiếm khoảng 7 -<10% tổng năng lượng. Acid béo không no một nối đôi chiếm < 15% tổng năng lượng. Chất béo đồng phân trans chiếm < 1% tổng năng lượng. Nên cung cấp lượng EPA và DHA khoảng 250 – 500mg/ngày. Cholesterol < 200mg/ngày.
– Glucid: tỷ lệ phù hợp với tổng năng lượng.
– Lượng chất xơ cung cấp từ khẩu phần ăn khoảng 14g/1000kcal.
– Lượng natri: 1600 -< 2000mg/ngày.
– Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất, đặc biệt là acid folic, vitamin B12, vitamin B6, vitamin D.
– Quản lý cân nặng bệnh nhân phù hợp, nếu bệnh nhân béo phì nên giảm cân.
4. Lựa chọn thực phẩm cho người bệnh THA
– Khuyến khích ăn nhóm thực phẩm giàu chất xơ: gạo lứt, gạo lật ăn nhiều rau xanh, quả chín. Nên ăn quả chín dạng miếng/múi, không ép/xay hay vắt lấy nước để tăng cường chất xơ.
– Nên ăn các loại thực phẩm nhiều acid béo omega 3: cá hồi, cá thu…
– Không nên ăn mỡ, nội tạng động vật, các loại sản phẩm chế biến sẵn: cá hộp, thịt muối, dưa cà muối, các món kho, rim, muối, các loại nước sốt, nước chấm mặn…
– Không uống các loại đồ uống có cồn: bia, rượu…
5. Thực đơn mẫu
Giờ ăn | Thực đơn số 1 | Thực đơn số 2 |
6h30- 7h00 | Phở bò Bánh phở :180g Thịt bò 40g Dầu ăn 5g | Bún thịt Bún: 200g Thịt lợn: 40g Dầu ăn 5g |
11h30-12h00 | Cơm: 2 lưng bát (Gạo tẻ 100g) Cá quả kho: Cá quả 80g Rau cải xanh luộc: Cải xanh: 200g Canh cải xanh nấu thịt: Cải xanh: 30g Thịt băm: 5g Chuối tiêu 1 quả: 100g | Cơm: 2 lưng bát (Gạo tẻ 100g) Thịt băm viên sốt cà chua: Thịt nạc vai: 40g Cà chua: 10g Nộm rau muống: Rau muống: 150g Lạc vừng: 10g Thanh long: 150g |
17h30-18h00 | Cơm: 1 lưng bát con (Gạo tẻ 50g) Thịt lợn rim tiêu: thịt lợn nạc 70g Su hào luộc chấm muối vừng: Su hào: 200g Muối vừng: 5g Canh rau ngót nấu thịt: Rau ngót: 30g Thịt nạc: 5g Bưởi: 150g ( 3 múi) | Cơm: 1 lưng bát con (Gạo tẻ 50g) Cá sốt cà chua: Cá 80g Cà chua: 10g Bắp cải luộc: 200g Canh hến nấu chua: Hến: 10g ( phần ăn được) Cà chua: 15g Cam: 100g ( ½ quả) |
21h00 | Sữa công thức: 150 ml (pha chuẩn) | Sữa công thức: 150 ml (pha chuẩn) |
Giá trị dinh dưỡng của thực đơn Năng lượng: 1600- 1700Kcal; Protein: 60- 65g; Lipid: 33- 35g
BS. TS. Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng
Bình luận